Mỗi cuốn sách là một bức tranh kỳ diệu về cuộc sống - Mark Twain -



Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018
Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018
Khói lam chiều
Khói lam chiều
Gió cuối xuân vương vương,
quyện loang trên tàn cây cao cao qua con đường thăm thẳm. Vài giọt mưa ươn ướt,
phơn phớt cánh đồng lúa vàng đang vào mùa. Màu hoa đỏ ẩn mình chực chờ bung nở.
Mỗi độ hạ về, lòng tôi miên man theo những sợi khói lam chiều bảng lảng, nuôi
kí ức tuổi thơ lớn dần nơi miền quê thanh bình êm ả.
Tuổi thơ đâu dễ quên với tháng
ngày bên ruộng đồng nghe gió hát, thả diều bay. Chiều chiều bơi xuồng trên sông
hái bông lục bình về chấm mắm kho, món ăn đặc sản không thể thiếu của người
miền Tây sông nước. Những ngày hè được tự do cùng đám bạn đi nhặt nhạnh
từng bông lúa, mò cua, bắt cá,… Đôi lần tập tành với chiếc lưỡi hái cong queo
bắt chước người lớn gặt lúa, vì sơ ý nên kết quả là một vết sẹo sâu hút nơi
ngón tay út mang theo đến tận bây giờ.
Thời gian đâu đứng yên để con
người ngâm ngấm kỉ niệm. Tuổi thơ ra đi với bộn bề sách vở nơi đô thành, nhưng
màu nắng chiều quê ấm mãi từng bước chân, sợi khói mong manh buột chặt tâm hồn.
Bóng dáng mẹ hiền, tần tảo trong chiếc áo bà ba bạc sờn vì sương nắng. Chiếc
nón bung vành thâm lá căng phồng mỗi khi gió chướng về trên đôi tay già nua của
bà. Hạt lúa ngoan hiền, nằm yên trong bao trên vai cha xuống bến. Bao nhọc nhằn
gian khó nuôi ước mơ bay cao bay xa phảng phất trong mùi của đất của quê hương.
Trên cánh đồng xa, chiều nay
ai thả khói thơm nồng, lòng tôi chợt nhớ màu khói thân quen như người bạn tri
âm cùng tôi trải qua bao vui buồn nơi chôn nhau cắt rốn. Chẳng hiểu sao mỗi khi
gửi ánh mắt mênh mang theo sợi khói bay bay trong chiều, tôi thấy lòng mình
bình yên lạ. Thi thoảng cũng bâng bâng quơ quơ ngẫm ngợi những mong manh dễ vỡ
trong tình yêu, cuộc sống của một kiếp người. Ấy vậy mà, tôi lại yêu thích nó
như không gì có thể mong manh hơn để thay thế, chẳng hiểu vì đâu, hay vì khói
lam cũng chính là cái tên đang mang trên người.
Có một chiều trên đê, khói đốt
đồng se sẽ làm mắt cay cay, tôi thỏ thẻ bên tai mẹ, mẹ ơi! Nếu ngày nào đó
không còn được ngắm hoàng hôn quyện trong màu khói bay lên, hòa cùng lời bài ca
vọng cổ “ Bên dòng sông Vàm Cỏ” được ngân vang sâu trầm của nghệ sỹ Thanh Tuấn,
có lẽ mọi thứ trở nên vô vị mẹ nhỉ! Mẹ mắng yêu, con gái bao giờ cũng lãng mạn,
như thế cuộc đời chẳng bình yêu đâu. Rồi mẹ nói tiếp, có thể đến một lúc nào
đó, thời gian và công việc hay nhiều thứ khác vây quanh, khi đó con sẽ suy nghĩ
khác hơn. Tôi yêu màu khói lam chiều, hồn quê tôi đó bấy nhiêu yên bình.
Một thời vô tư cùng lũ bạn nơi
miền quê đã nằm yên một góc cạnh quãng đường nhập nhằng bon chen, ngum ngúm vị
đời đăng đắng, thế đấy mà mỗi khi tình cờ bắt gặp đâu đó những sợi khói lam
chiều dìu dịu bay lên giữa cánh đồng xa ngái là phút chốc gợi buồn gợi nhớ, kí
ức từ đâu ùa về choáng ngợp không gian. Xung quanh duy nhất một màu, sừng sực
một mùi... mùi của đất của quê hương.
Trương Diễm Phiến
Nguồn: Tạp chí
Văn nghệ, số 80 (tr.38) tháng 5, năm 2018.
Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018
Một thoáng hương xưa
Một thoáng hương xưa
Mưa rơi những hạt đầu tiên, cánh
phượng chao nghiêng màu nỗi nhớ. Hạ lại về, tiễn đưa áo trắng thôi bay giữa
nắng sân trường. Ve râm ran miên man tấu khúc sầu não nuột.
Phượng ơi! Phượng đỏ làm chi, cho
chia li ngày tháng mộng. Áo trắng về đâu, dứt day hoài ánh mắt, lưu bút trao
tay chẳng biết viết gì. Màu mực tím chép vần thơ khờ dại, mai xa rồi ai có nhớ
ai không…?
Vâng! Tuổi thần tiên ngây ngô,
tuổi của một thời hương thắm, chút bâng khuâng, chút mộng mơ khi bắt gặp ánh
mắt ai nhìn để rồi… chiều thẫn thờ, đêm thao thức nhớ mông lung. Ai từng trải
qua một thời để thương, một thời để nhớ của tháng năm học trò bên bạn bè, thầy
cô dưới mái trường, chắc rằng không khỏi chạnh lòng, bồi hồi xúc động khi hè
sang, bất chợt miên man ngược dòng tìm về một thoáng hương xưa.
Và mưa nữa, rơi rơi ướt tà áo bay
bay chiều tan lớp, trên đường về hai đứa đội mưa chung. Mong mưa lâu, cho đường
quen dài mãi, được chuyện trò, được ấp úng xa xôi. Tôi cũng từng vu vơ và nhớ.
Nhận cánh bằng lăng về ép trong trang vở, nâng niu hoa học trò, thầm nhắc lòng
mình năm tháng chẳng phôi pha.
Tháng sáu mùa thi, bộn bề từng
con chữ, lo lắng đợi chờ, ai ở lại ai đi. Tường phủ rêu xanh, ngói đỏ biết thầm
thì khi vắng tiếng ồn ào một thời “nhất quỷ nhì ma…”. Tán phượng già lẻ loi cô
độc, rơi âm thầm đưa tiễn áo trắng qua.
Màu thời gian nhuộm tóc thầy thêm
bạc, bục giảng năm nào giọng trầm ấm cô ngâm, lời bài thơ ngọt ngào ươm mơ ước,
nâng cánh thiên thần xây dựng đất nước quê hương.
Một thoáng hương xưa là khoảng
trời tươi đẹp nhất, áo trắng sân trường còn đó mãi trong tôi.
Năm 2015
Trương Viễn Lam
Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018
TÌNH QUÊ
TÌNH QUÊ
Em về
nghiêng nắng
bên sông
Nghiêng cây
nhớ lá
xanh đồng ruộng xa
Sáo diều
ngân khúc
ơi à...
Cỏ lau phơn phớt
khói là đà bay
Mùi hương
gạo mới thơm thay
Giọt mồ hôi mẹ
nghe cay
mắt chiều
Con đò
chở giấc mơ yêu
Nặng tình
sâu nghĩa
bao nhiêu tháng ngày.
Năm 2015
Trương Viễn Lam
Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018
Hương vị tháng giêng
Hương vị tháng giêng
Đông đi cho nắng xuân về
Mùa đương chúm chím tràn trề
sắc xuân…
Ngòn ngọt màu tươi nguyên thiếu nữ,
tháng giêng tự bao giờ vẫn vậy, xinh thắm đến vô cùng. Ai lớn lên mà chưa từng
yêu tháng giêng như yêu tuổi xuân xanh đời mình.Yêu những tháng ngày chưa nếm
vị mặn đắng đời đau.
Một năm có những bốn mùa. Tháng giêng
đẹp nhất như vừa đôi mươi.Bốn mùa có đủ mặn ngọt, đắng đau, hờn
yêu lạnh nhớ. Riêng tháng giêng mang đến hương vị đoàn viên sum họp. Hạnh phúc
chợt về sưởi ấm khi cơn gió cuối đông lơ lãng, giã biệt mùa đi, nhường chỗ cho
những tia nắng mai óng ánh. Nắng soi rọi cành lá
non tơ chở che những nụ mai vàng đương độ chúm chím đợi gió xuân về tỏa hương
ngào ngạt.
Tháng giêng là vương quốc giàu sang, cho
đi tất cả mà không cần nhận lại. Biết bao mĩ từ không đủ tặng tháng giêng ngon.
Không hiểu sao mỗi độ mai đào e ấp, chim én nô nức gọi bầy, thì người người,
nhà nhà và muôn vàn bờ vai ngoan tìm đến nhau như tìm sự sống.
Ba mươi ngày không dài, cũng không phải
là ngắn để tận hưởng khoảnh khắc yêu thương cùng tháng giêng. Một vần thơ đẹp,
một ca từ hay, một ánh mắt trìu mến, một lời tỏ tình dễ thương cũng đủ để quên
hết những muộn phiền thường nhật.
Tháng giêng nôn nao mời gọi, khao khát
ước muốn tròn đầy cho một năm mới an lành, phúc lộc về trên khắp xóm thôn, hay
nơi đô thành hoa lệ. Và rồi sau những bộn bề lo toan, những tất tả ngược xuôi,
tháng giêng mang đến hương vị đậm chất truyền thống tự bao đời của ông cha bởi
mùi bánh tét thơm lừng qua đôi tay khéo léo của bà, của mẹ bên bếp lửa hồng đêm
khuya.
Mong rằng tháng giêng
mãi vẹn màu thời gian để vạn vật lần tìm hơi ấm trao nhau, trao niềm tin khát
vọng, trao cả sự sống an yên, dung dị mà bất tận muôn nét xuân ngời…
Trương Diễm Phiến
Nguồn:
Tạp chí Văn nghệ, số 79 (tr.46) tháng 01, năm 2018.
Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018
Hoa tím lục bình
Hoa tím lục bình
Chẳng biết tự bao giờ, tôi yêu những giề lục bình trôi tản
mạn, không bến không bờ, từng cánh hoa mong manh giữa dòng trôi, trôi mãi. Sắc
tím nhẹ nhàng mà sao hoài nhớ, hoài vương nỗi niềm u ẩn. Phải chăng hoa gắn
liền với truyền thuyết của một mối tình thủy chung.
Vốn dĩ là
người miền quê sông nước nên từ khi còn tuổi thơ, lũ trẻ chúng tôi sau mỗi giờ
tan học thường tụm năm tụm ba chơi nhà chòi. Những món hàng mà chúng tôi dùng
để buôn bán trao đổi với nhau, lục bình là một trong những sản phẩm quý giá,
nói như lũ trẻ chưa hiểu gì của ngày xửa ngày xưa là thế. Mỗi khi nghe tiếng
bìm bịp kêu, con nước lớn đầy, lục bình nối nhau thành từng giề trôi mải miết.
Màu hoa nhuộm tím trên sông, sóng nước đung đưa từng cánh mỏng chao nghiêng
trước gió đẹp nao lòng. Cả nhóm đưa những bàn tay nhỏ xíu tranh nhau vớt lên
nói cười rộn rã . Tuổi thơ bao giờ cũng vô tư nhiều khi thành vô tâm, vớt lục
bình lên bờ chế biến ra nhiều món: thân lục bình mổ bụng làm bánh mì, lá và hoa
lục bình xắt nhuyễn làm nhân, thế là cô chủ nhỏ cho ra đời một cửa hiệu bánh mì
thịt hoàn chỉnh. Thỉnh thoảng thay nhau hái lá làm tiền, có đôi khi hái hoa cài
trên mái tóc làm duyên làm dáng, trông cũng thật ngộ nghĩnh và đáng yêu. Tuổi
thơ chỉ đơn giản vui là chính nào có hiểu gì đâu mà vông với viển mà ngẫm với
ngợi.
Tháng năm
chồng chất nỗi đời, mỗi chiều chơi nhà chòi thưa dần, riết rồi không còn thấy
nữa, bởi lũ trẻ nay đã thành thanh niên, thiếu nữ. Rồi kẻ ở người đi, bận bịu
học hành, có đứa vì hoàn cảnh khó khăn rời quê theo gia đình đi mất biệt chưa
một lần gặp lại. Thời gian và lòng người biết bao điều đổi thay chỉ riêng lục
bình vẫn vậy, tím muôn chiều mông mênh. Tôi thích ngắm lục bình mỗi khi con
nước lớn về, phải chăng ở một góc nào đó trong kí ức, hình ảnh lũ trẻ luôn hiển
hiện hồn nhiên bên dòng đời nghèn nghẹn vị đắng. Khi tôi thật sự trưởng thành
và hiểu thêm về cuộc sống thì lòng yêu thích hoa lục bình không còn giản đơn là
màu tím mà trong thẳm sâu màu hoa ấy gợi muôn điều xa xăm về thân phận, về kiếp
đời mong manh trôi dạt.
Ở phương
trời nào xe cộ ngược xuôi, người người tất tả chuyện áo cơm, chuyện công danh,
có khi người ta tranh giành cả vị thế. Họ so đo chì chiết, xét nét nhau từng
lời nói. Và cũng ở phương trời nào nơi những dòng sông bắt nước từ những gì
giản đơn, nhẹ nhàng và êm ả, đưa ta về nơi bình yên vô bến vô bờ. Dẫu biết
rằng, cuộc sống không đủ quyền lực để trói buộc con người ở mãi một chỗ được.
Nhưng điều đáng quý, đáng trân trọng là người ta không quay lưng phũ phàng với
những gì nhỏ nhoi, dân dã, nơi mình được sinh ra và lớn lên. Và cũng ở nơi đó
từng cánh hoa tím rơi rơi thầm nhắc một thời còn lưu lại chút gì để nhớ thương
nhau!
Hoa lục
bình không có giá trị về vật chất, hương hoa không sánh bằng những loài hoa quý
nơi vương giả nhưng nếu một chiều nào tình cờ bắt gặp những cánh tím mong manh
giữa dòng sông con nước lững lờ trôi, chắc rằng bạn không khỏi chạnh lòng mà
bâng quơ: lục bình ai thả trên sông, tím chi mà tím nao lòng đến vậy? Bạn không
khỏi ngỡ ngàng mỗi độ mùa hoa nở, bởi đặc trưng của màu tím mênh mang ấy thật
khó cưỡng. Hoa lục bình đẹp và nao lòng đến thế nhưng kiếp hoa ngắn ngủi lạ kỳ
chỉ vừa rời mặt nước là tàn phai héo úa nhưng không vì vậy mà người ta dễ dàng
lãng quên sắc tím thủy chung.
Hoa tím lục
bình đi vào thi ca như một điệp khúc ngọt ngào pha lẫn đắng cay bởi hàng trăm
thi nhân trở trăn dứt day mãi. Năm tháng có đổi thay, lòng người thôi vẹn
nguyên, hương hoa trang đài thi nhau hiển hiện nhưng tôi tin rằng hoa lục bình
vẫn tím giữa dòng trôi.
Trương
Diễm Phiến
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 78 (tr.26, 27) tháng 11, năm
2017.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)